Viết blog (Blogging) không phải là một công cụ mới trong Marketing. Nói một cách chính xác, đây là một trong những hình thức truyền thông xã hội trên Internet sớm nhất. Hiện nay, khả năng tiếp cận và kết hợp của việc viết blog vào mọi phương thức kinh doanh đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhật ký web (Web logging) tiếp tục cho phép người dùng tạo và phân tán Content cho các cộng đồng khác nhau. Tuy vậy, để bắt đầu một trang blog có thể là một nhiệm vụ đầy thách thức. Bao lâu bạn nên đăng bài một lần? Làm thế nào để bạn chọn ra các chủ đề tốt nhất cho bài viết blog? Một bài đăng trên blog nên dài bao nhiêu?
Sau đây, chúng tôi sẽ gợi ý một số mẹo để giúp trả lời cho câu hỏi về độ dài bài đăng trên blog của bạn, nhằm thúc đẩy hiệu suất mà không cần phải tốn bất kì chi phí nào.
Đếm số từ một cách khôn ngoan
Thật không may, không có một con số cụ thể nào phù hợp với mọi mục tiêu và mọi người dùng. Bạn phải cân nhắc đến lĩnh vực mà chủ đề blog của bạn đang hướng đến và đối tượng mục tiêu tương ứng. Tùy thuộc vào năm và nguồn của bài viết, bạn có thể sẽ thấy rằng một con số khác sẽ mang lại một thành công khác. Tuy nhiên, chúng tôi có thể cung cấp các bài nghiên cứu về độ dài bài blog cho các bạn dùng để tham khảo.
Những bài nghiên cứu tiết lộ điều gì?
Một nghiên cứu từ BuzzSumo và Moz được khảo sát trên một triệu bài viết đã phát hiện ra rằng 85% nội dung blog đã xuất bản có ít hơn 1000 từ. Tuy nhiên, những nội dung có hơn 1000 từ được chia sẻ và liên kết nhiều hơn nội dung dạng ngắn. Mặt khác, SearchMetrics nhận thấy rằng nội dung được xếp hạng hàng đầu của Google có trung bình từ 1140 đến 1285 từ.
Theo các nghiên cứu gần đây, khi không có sự thống nhất về số lượng chữ mỗi bài viết, dường như có sự đồng thuận rằng nội dung dạng dài hơn tạo ra nhiều lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic traffic) hơn. Cụ thể, những bài đăng dài hơn này đã thu hút khách hàng tiềm năng gấp chín lần. Và nhờ thế, bài viết của bạn sẽ có thứ hạng cao hơn trên kết quả tìm kiếm của Google.
Bạn có thể tiến hành nghiên cứu để khám phá độ dài trung bình của các bài đăng sử dụng từ khóa mục tiêu giống bạn. Từ đó, bạn nên đặt mục tiêu đối với số từ bài viết của bạn vượt quá con số đã nghiên cứu. Ví dụ: nếu bạn thấy mức trung bình cho từ khóa của mình là 700, thì bạn nên viết trên 700.
Đây là một vài phạm vi về số lượng từ trung bình cho các ngành ngách cụ thể:
- Ô tô – 2100 – 2300 từ
- Các công thức – 1600 – 1700 từ
- Các điểm đến du lịch – 1000 từ
- Kế hoạch tài chính – 2500 – 2600 từ
- Giảm cân – 2200 – 2300 từ
- Đồ nội thất – 1100 – 1200 từ
Những con số này có thể mang lại lợi ích. Và nếu có thể áp dụng được, hãy xen kẽ các bài đăng dài và ngắn để tạo sự đa dạng và thu hút nhiều độc giả hơn.
Chất lượng hơn số lượng
Trước khi quyết định tuân thủ nghiêm ngặt nội dung blog dạng dài, hãy nhớ rằng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) không phải là việc quan trọng nhất. Mặc dù SEO sẽ mang lại sự uy tín và thẩm quyền cho bài viết, nhưng điều đó chỉ đúng nếu bạn đang cung cấp thông tin có giá trị hoặc giải trí. Như đã chứng kiến từ việc Twitter được sự dụng rộng rãi bất chấp bị giới hạn số lượng ký tự trong bài đăng, điều này cho thấy hầu hết người đọc sẽ quét hoặc chỉ đọc lướt qua văn bản.
Trên thực tế, người dùng trung bình sẽ có thời gian đọc được 28% số từ trong một lần nhìn qua, mặc dù khoảng 20% sẽ khả thi hơn nhiều. Vì vậy, chiến lược đạt được một số lượng từ cụ thể có thể mang lại tác dụng ngược nếu thời gian bị lãng phí vào các việc lấp đầy các từ khi đọc lướt. Cũng giống như bất kỳ hình thức truyền thông nào khác, bạn phải thu hút sự chú ý của người đọc và hưởng lợi từ việc đi thẳng vào vấn đề.
Hiệu quả của nội dung dạng ngắn
Nội dung ngắn có thể hiệu quả nếu mục đích của bạn là cung cấp danh sách các liên kết, công thức, tăng nhận thức về thương hiệu. Ngoài ra, nó cũng hiệu quả nếu blog của bạn được thiết kế để bán sản phẩm hoặc dịch vụ. Bài học rút ra là ưu tiên sản xuất nội dung có những thông tin chất lượng, được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn là sa lầy vào một nội dung rõ ràng nhưng mang những câu từ trống rỗng.
Chú trọng việc đọc lại trước khi đăng bài
Có một cách chắc chắn để đánh mất người đọc và sự tín nhiệm chính là không xem qua bài đăng trên blog của bạn trước khi công khai chúng. Trong tất cả các dạng bài viết, luôn luôn cần phải đọc và xem đi xem lại để phát hiện ra bất kỳ lỗi ngữ pháp hoặc chính tả mà bạn có thể đã bỏ sót ban đầu. Bạn cũng có thể thấy rằng việc tái cấu trúc bài viết có thể củng cố cho lập luận của bạn hoặc cải thiện quy trình khi viết bài. Đối với những bài viết yêu cầu nghiên cứu hoặc bao gồm các liên kết, sự thật, hãy tự kiểm tra và xác minh rằng các liên kết có hoạt động hay không.
Tốt hơn hết là bạn nên nắm bắt những sai lầm nhỏ và dễ mắc phải này trước khi bài viết được công khai trên mạng. Nếu bạn không thể yêu cầu ai đó xem lại giúp mình, hãy sử dụng các tài nguyên trực tuyến, chẳng hạn như Grammarly (đối với bài viết bằng tiếng Anh), để có thể đảm bảo công việc của bạn đã được kiểm tra.
Cách để bài viết dễ đọc và bắt mắt
Cho dù bạn chọn bài viết dài hay ngắn, điều cần thiết là phải nhớ đến vai trò của tính dễ đọc (Readability) trên blog bạn. Bất kỳ ai đã từng cầm một cuốn sách đều biết rằng phải tập trung cả mắt và tâm trí, và duy trì sự tham gia khi có nhiều khối văn bản liên tục.
- Làm cho nó “dễ tiêu hóa”: Nếu bạn nghĩ về những cuốn sách dễ đọc, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều cách để sắp xếp câu chữ cho một cuốn tiểu thuyết. Hãy tưởng tượng bạn là một độc giả nhỏ tuổi. Điều gì có thể đã khiến một cuốn sách trở nên hấp dẫn đối với bạn? Từ đó sẽ giúp bạn định dạng được các bài đăng trên blog của mình từ quan điểm của người xem bình thường.
- Sử dụng các dấu gạch đầu dòng (Bulletpoints): Bằng cách kết hợp các gạch đầu dòng, các đoạn văn nhỏ hơn và các câu trở nên độc lập. Nhờ đó, bạn sẽ tạo ra đủ khoảng trắng để giảm đi tính nặng nề của một văn bản dài. Chính xác như những gì chúng tôi đang làm bây giờ, đó là khi bạn đang hướng đến văn bản có nhiều thông tin hơn.
Và sự chuyển tiếp đơn dòng (Single-line transition) đó có thể cực kỳ hiệu quả đối với khả năng “tiêu hóa” bài viết!
Nguồn: Power Digital Marketing
Xem thêm: Một bài đăng trên Blog có độ dài bao nhiêu là phù hợp? (Phần 2)